Trào lưu chơi đồng hồ cổ. Bạn có phải là người tiếp theo?
Có rất nhiều bác hỏi và chia sẻ với tôi rằng:”Sao không chơi đồng hồ đời mới vậy em?”…”Chơi đồng hồ cổ cũ xấu òm thì chơi làm gì vậy em?”…
Tôi chỉ mỉm cười và không nói gì vì đơn giản “mỗi anh em sẽ có 1 cách chơi riêng, 1 “gu” chơi cá nhân của riêng mình!”.
Thời gian gần đây cũng có khá nhiều anh em thật lòng tâm sự với tôi và các anh em trong hội rằng họ cũng đã từng chơi đồng hồ đời mới nhưng sau đó họ dần chuyển sang chơi đồng hồ cổ như con đường mà bao bậc tiền bối đã đi qua…
Tiện đây tôi cũng xin chia sẻ 1 số điều tâm đắc của cá nhân sau quãng thời gian vài năm dấn thân vào con đường sở hữu và sưu tầm đồng hồ cổ.
Đầu tiên, đó là phần chi phí mà mỗi anh em phải bỏ ra khi chơi hay “rước” về 1 chiếc đồng hồ ưng ý.
Để sở hữu được những chiếc đồng hồ đời mới ở mức ưng ý thì mỗi anh em thường phải bỏ ra 1 khoản tiền giao động từ mức 5 triệu đến 50 triệu hoặc có thể hơn nữa rất nhiều thì mới có thể chọn ra được Brand (thương hiệu) và Movement ( loại máy) hay Style ( kiểu dáng) hợp với mình nhất!
Nếu mua ở Store thì giá cực đắt đỏ do chi phí Marketing và một vài loại chi phí cấu thành khác khiến cho người tiêu dùng không mấy được hưởng lợi trong khoản này!
Tất nhiên cũng có rất nhiều anh em có “tính sở hữu” cao và chưa biết nhiều về dòng đồng hồ cổ nên họ vẫn ưu tiên chọn Brand New (trong đó có cả tôi khi mới bắt đầu với chiếc Longines Conquest Heritage dòng tái bản!). Việc “sở hữu” một chiếc Brand New cũng rất thú vị và có cái vui riêng của nó cho đến khi đi giao lưu, gặp gỡ vô tình gặp được những anh em khác cũng sở hữu đúng chiếc đồng hồ mình đang đeo nhưng chỉ với mức giá bằng 60-65% số tiền mình phải giành dụm tích luỹ rất lâu để có được nó thì cảm giác thật là “Yomost” phải không?
Có thể với một vài anh em sau khi gặp hoàn cảnh trớ trêu trên sẽ chọn cách săn sale, hoặc bắt đầu tìm kiếm những chiếc đồng hồ cũ đã qua sử dụng để thoả mãn đam mê của mình ở mức cao nhất với chi phí thấp nhất. Và tôi cũng là một người đã trải qua điều này.
Vậy một câu hỏi được đặt ra là : “Nếu đã chủ đích dùng đồng hồ đã qua sử dụng thì tại sao không chơi đồng hồ cổ đã qua sử dụng trong thời gian “cực dài” luôn đi?”
Điều thứ hai, tôi muốn đề cập đến tính thanh khoản của đồng hồ mới và đồng hồ cổ. Như các bạn đã biết, đồng hồ mới sau khi mua mà muốn thanh khoản thường sẽ mất từ 20-30 % giá trị. Trong khi đó, đồng hồ cổ thì luôn có xu hướng tăng giá trị theo thời gian. Lý do là bởi những chiếc đồng hồ cổ cũng đã từng phải trải qua sự mất giá khi thanh khoản giống đồng hồ đời mới ở thời điểm nó được phát hành. Sự mức giá này đã chạm đáy nên đồng hồ cổ có xu hướng tăng ngược giá trị trở lại theo thời gian.
Ví dụ: Cùng với số tiền bỏ ra là 14-15 triệu, thay vi bạn chỉ sở hữu 1 bộ máy Auto( tự động) Thuỵ Sỹ thông thường đời mới thì với đồng hồ cổ bạn đã hoàn toàn có thể có trong tay một chiếc đồng hồ cổ bọc vàng mang trong mình những “bộ máy cực chất” nổi tiếng 1 thời…
Điều thứ ba tôi đề cập đến những bộ máy– điều đem lại “sự sống” cho chính những chiếc đồng hồ.
Bộ máy của những chiếc đồng hồ đời mới ở tầm trung (tôi k muốn nhắc đến tên các thương hiệu) thì thường là dòng máy ETA, Sellita, “Mi-ô-ta”,…Các hãng sau khi đặt hàng về thì chỉ việc “cộp tên Brand ( thương hiệu của mình lên Movement (phần máy) và thế là …”giá trị” ở đó! Với tư cách là người mua hàng, chúng ta chỉ đơn thuần là đang lựa chọn Brand ( tên thương hiệu) và kiểu dáng của đồng hồ chứ không phải lựa chọn bộ máy hoạt động bên trong.
Nền kinh tế thị trường và việc sản xuất công nghiệp hàng loạt đã khiến “sự tinh tế, phức tạp,hoàn thiện” và “chăm chút” cho các bộ máy đời mới giảm đi đáng kể! Thậm chí rất nhiều Brand có những bộ máy hay lỗi! (Cái này những seller kinh doanh hay những bác thợ, người tiêu dùng hoặc thậm chí cả những người suu tầm như tôi cũng có thể thấy rõ).
Còn đối với đồng hồ cổ thì bộ máy lại có được một vẻ đẹp tinh tế đặc biệt, cuốn hút đối với những người sưu tầm.Những cỗ máy nổi tiếng 1 thời với “chất thép”, độ hoàn thiện, sự phức tạp đã làm nên 1 số thành tựu, thậm chí đóng góp rất lớn vào sự phát triển của ngành công nghiệp đồng hồ trong quá khứ và tiếp tục được kế thừa và phát triển ở hiện tại. Ví dụ như bộ máy tự động “lọc cọc”, bộ máy tự động “răng cưa”, bộ máy tự động “cúc áo” và những bộ máy “cót tay đếm giờ thể thao”…dù giá trị quy đổi không thể bằng được với một số chiếc đồng hồ đời mới nhưng giá trị về mặt sưu tầm thì thật tuyệt vời.
Những cỗ máy này còn có giá trị sưu tầm tăng dần theo thời gian và càng ngày càng trở nên hiếm. Sẽ có người nói với tôi là “máy khủng” đầy hãng làm được. Câu trả lời của tôi là :”dạ vâng! Đúng là đầy hãng sản xuất” nhưng cái giá phải trả ra để sở hữu là bao nhiêu vậy ??? Gấp 5 hay gấp 10 hay 100 lần ????
Điều thứ tư cần bàn đến là về độ “Độc”. Hẳn anh em ai “chơi” hay làm gì đó cũng muốn đồ của mình phải độc nhất và ít người có. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra với phần lớn những ai chơi đồng hồ đời mới. Lý do là bởi chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm chúng ở bất kỳ cửa hàng bán đồng hồ đời mới nào.Order hay săn sale thậm chí là lên các diễn đàn gõ “tìm kiếm” cũng là một cách rất đơn giản để mua được. Và kết quả tất yếu là khi nhiều người sở hữu đồng hồ đời mới thì giá trị chung của chúng sẽ giảm.
Ví dụ nếu trong thị trường có duy nhất một vài chiếc thì giá trị sẽ ở một mức nào đó còn khi toàn thị trường có khoảng chục chiếc thì giá trị của chúng đã giảm đi đáng kể rồi.
Còn đối với đồng hồ cổ thì ngay việc sở hữu cũng đã là điều không hề đơn giản. Cho dù bạn đã chọn được chiếc đồng hồ ưng ý với dòng, movement ( kiểu máy) yêu thích, thì thị trường cũng không có sẵn cho bạn trực tiếp ngắm nhìn. Có một số anh em thậm chí còn phải chấp nhận mua những chiếc đồng hồ thiếu linh kiện như núm, dây, khóa , kính … để sở hữu được chiếc đồng hồ ưng ý rồi sau đó sẽ tìm mọi cách để có thể hoàn thiện nó. Khỏi phải nói về độ sung sướng của các anh em khi tìm được linh kiện và hoàn thiện được chiếc đồng hồ mà mình yêu thích. Còn với cá nhân tôi thì đó là cảm giác chóng mặt, say say và nôn nao luôn mỗi lần tôi hoàn thành.
Cuối cùng, đó chính là những câu chuyện riêng ẩn sau mỗi chiếc đồng hồ. Đó có thể là về lịch sử, về sự kiện hay một nhân vật nào đó gắn liền với chiếc đồng hồ.Tôi thường rất trân trọng cách mà mỗi chiếc đồng hồ đến với mình cũng như câu chuyện mà các nhà sưu tầm thường chia sẻ với nhau về cách mà họ sở hữu được chiếc đồng hồ cổ ưng ý. Điều đó làm mỗi chiếc đồng hồ cổ trở nên độc nhất và duy nhất!
Qua mỗi lần chia sẻ và giao lưu, mọi người sẽ có thêm những người bạn, người thầy, người anh em cùng đam mê với thú chơi này. Đây là một điểm đặc biệt mà chỉ khi chơi đồng hồ cổ mọi người mới có thể cảm nhận được.
Trên đây là đôi điều mà tôi đã học hỏi được dưới góc nhìn cá nhân của mình trong suốt thời gian theo đuổi đam mê này. Hy vọng những đóng góp của tôi sẽ giúp cho thú chơi đồng hồ cổ ở Việt Nam trở nên phong phú và thu hút được nhiều người chơi hơn.
P/s: Cả 4 chiếc đồng hồ tôi chụp ảnh dưới đây đều là Black Dial và Black Glossy Gilt Dial- những mặt số hiếm và giá trị nhất của đồng hồ xưa. Tôi không so sánh với mặt số “hột” và “men sứ” hay dạng “tranh vẽ” vì chúng không cùng “loài” để so sánh!
Bộ máy tự động lọc cọc
Bộ máy tự động răng cưa
Bộ máy tự động cúc áo