
Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ:Từ Lịch Sử Bị Lãng Quên Đến “Chén Thánh” Sưu Tập
Nếu bạn đam mê đồng hồ, hẳn đã có lúc bạn bắt gặp những chiếc đồng hồ có thêm những “cơ chế bảo vệ” mặt kính lạ thường trên internet. Liệu đó có phải là phần thiết kế thừa hay là một điều đặc biệt để sưu tập? Hãy cùng Nam Nam khám phá lịch sử của việc hình thành cơ chế Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ và câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi phía trên qua bài viết này nhé!
Đồng hồ đeo tay bắt đầu xuất hiện đầu thế kỷ 20 nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng đồng hồ trong các cuộc chiến. Nổi bật nhất là thiết kế càng “quai chảo” được đăng ký bản quyền Despose No9846 của công ty Dimier Brother như tôi đã viết ở bài trước. Chiến tranh khốc liệt, đồng hồ được sử dụng như là một công cụ đặc biệt để hỗ trợ chiến đấu. Chính vì vậy, ý tưởng bảo vệ đồng hồ trong quân sự được phát triển ngay sau đó. Những thiết kế đầu tiên đã ra đời nhằm giúp bảo vệ phần mặt kính đồng hồ nhưng vẫn cho phép việc đọc thời gian trên đồng hồ một cách dễ dàng. Không ai dám chắc chắn thiết kế này có từ khi nào, chúng ta chỉ có thể dựa vào những bản quyền thiết kế để suy đoán.
Những thiết kế nắp bảo vệ đồng hồ thường được thiết kế dưới dạng “tấm lưới” bao phủ bên ngoài mặt kính của đồng hồ. Chúng được giữ cố định bằng việc luồn dây đeo.
Có rất nhiều tên gọi cho phần nắp bảo vệ đồng hồ được sinh ra. Chúng thường là những cái tên được gọi truyền miệng trong giới sưu tập như: “nắp bảo vệ mảnh bom”, “lưới bảo vệ”, “nắp bảo vệ”,… Cá nhân tôi và nhiều nhà sưu tầm đồng hồ Đại Thế Chiến I (WWI) đều khá ấn tượng với cái tên “nắp bảo vệ mảnh bom”!
Chúng ta đều biết những trận mưa đạn hay mảnh văng bắn ra từ những quả bom với sức công phá khủng khiếp có thể làm cho tất cả con người và đồng hồ bị thiệt hại nghiêm trọng. Cái tên “nắp bảo vệ mảnh bom” không nói lên được công dụng bảo vệ đồng hồ khỏi những tác nhân chiến tranh quân sự nhưng có lẽ sẽ thật thú vị và tinh tế nếu được gọi tên như vậy. Trên thực tế những nắp bảo vệ này có khả năng bảo vệ mặt kính đồng hồ chống lại những va chạm, cọ xát hàng ngày gặp phải trong điều kiện khắc nghiệt quân sự.
Hãy cùng tôi chiêm ngưỡng 1 vài ví dụ về Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ trong bức ảnh bên dưới.
Ta thấy Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ có rất nhiều kiểu dáng, hình dạng và cơ chế bảo vệ khác nhau. Chúng được sinh ra và đăng ký bản quyền bởi những cá nhân khác nhau. Phần lớn những Nắp Bảo Vệ thời kỳ đầu đều được mạ niken hoặc mạ bạc. Số ít sẽ được bọc vàng hoặc làm bằng bạc khối.
Bằng sáng chế sớm nhất phát hiện cho Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ mà tôi từng thấy được cấp cho Sydney Smith vào tháng 6 năm 1913, với số hiệu No22414 và ngày ưu tiên là ngày 2 tháng 10 năm 1912. Những Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ đầu tiên này được kẹp trực tiếp vào vỏ đồng hồ chứ không phải luồn với dây đeo. Tuy nhiên, thiết kế Nắp Bảo Vệ chúng ta hay gặp nhiều nhất và có nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử vẫn phải kể đến thiết kế Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ dạng Lưới!
Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ dạng lưới phổ biến nhất có số Thiết kế đã Đăng ký bản quyền là “RD 656724” được đóng dấu trên một trong các quai đeo và “PAT (cho bằng sáng chế) 105694” ở quai đeo còn lại. Bản quyền thiết kế này được thực hiện bởi Hirst Bros. Có vẻ như thiết kế Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ của Hirst Brothers. & Co. Ltd. được đưa ra thị trường và bán với số lượng khá lớn so với các loại Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ khác.
Những tài liệu tham khảo sớm nhất về hoạt động marketing, tiếp thị, quảng cáo về Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ có lẽ là bài viết trên Tạp chí Horological Journal (viết tắt là HJ) vào tháng 6 năm 1916. Bài viết có nội dung tạm dịch rằng “Một ý tưởng mới về bằng sáng chế Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ đeo tay vừa được đưa ra thị trường. Nó được đăng ký bởi Messrs. Hirst Bros. & Co. Ltd., của Oldham (Số hiệu No652595) dưới tên “Lưới Bảo Vệ”…
Số hiệu No652595 hay RD652595 là số hiệu đầu tiên được biết đến của Hirst về bản quyền Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ và được Hirst sản xuất trong giai đoạn ngắn.Thật thú vị, chúng ta cũng tìm thấy 1 vài bản thiết kế Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ rất giống với bản thiết kế huyền thoại “RD652595” của Hirst nhưng ký hiệu bản quyền có chút khác nhau.
Ở Birmingham, vào năm 1917, với ngày ưu tiên là 17 tháng 8 năm 1916, Samuel Joseph Levi đã được cấp bằng sáng chế cho “Cải tiến liên quan đến bảo vệ hoặc bảo vệ đồng hồ đeo tay”. Ngày ưu tiên là khi đơn đăng ký được nhận tại văn phòng cấp bằng sáng chế. Như vậy lịch sử cho thấy Levi đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vài tháng sau khi công bố thiết kế Hirst trên Tạp chí Horological Journal.
Những con số từ bằng sáng chế của Levi trông giống như những con số trên Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ được thiết kế bởi Hirst. Số hiệu thiết kế RD656724 đều xuất hiện ở 1 quai đeo. Chỉ có số PAT là khác nhau 1 chút. Không rõ là Levi hay Hirst đã đăng ký nó.
Ảnh từ vintagewatchstraps.com
Hirst cũng đã sử dụng số hiệu bản quyền RD656724 trên quảng cáo của mình và đóng trên rất nhiều Nắp Bảo Vệ mà Hirst bán ra thị trường.
Mọi người sẽ tự hỏi rằng liệu có mối liên hệ nào giữa Hirst Brothers and Co. Ltd. và Levi không? Trên thực tế Hirst Brothers and Co., Oldham, London, Birmingham và Manchester còn S. J. Levi và Co. là các nhà sản xuất riêng biệt. Các mặt hàng do Công ty Levi sản xuất được đóng dấu “S.J.L & Co.”
Có vẻ như sau khi Levi được cấp bằng sáng chế, mọi người đã nhận ra rằng hai thiết kế Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ có thiết kế y hệt nhau. Không còn lựa chọn nào khác, Hirst buộc phải tranh chấp bằng sáng chế. Đó là một thủ tục pháp lý tốn kém và kéo dài mà cuối cùng bản thân Hirst cũng không chắc có thể giành được bản quyền hay phải mua lại quyền từ Levi.
Như vậy sẽ có 3 kiểu dáng Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ huyền thoại “dạng lưới” của Hirst:
- Một là thiết kế RD652595, thiết kế đầu tiên của Hirst Brothers, từ tháng 6/1916 đến tháng 8/1916.
- Hai là thiết kế RD656724 nhưng đóng “P.PAT.11638/16”, thiết kế của Levi trong quá trình kiểm tra bằng sáng chế từ tháng 8/1916 đến tháng 4/1917.
- Ba là thiết kế RD656724 và đóng “PAT.105694”, thiết kế của Levi sau khi được cấp bằng sáng chế 26/04/1917.
Tôi còn sưu tầm được 1 Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ với thiết kế RD656724 những đóng bản quyền PAT105674 (số bản quyền nhỏ hơn PAT105694 nên có thể ra đời trước đó và thuộc về Hirst). Có quá nhiều số hiệu bản quyền PAT cho cùng 1 dạng thiết kế Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ giai đoạn này vì tranh chấp bản quyền.
Chưa hết, trong thời gian Hirst Brothers đưa các Nắp Bảo Vệ của họ ra thị trường, các công ty khác cũng làm như vậy. Một công ty khác có tên là Boneham và Hart, giao dịch với tên F. Boneham & Co., bắt đầu quảng cáo các Nắp Bảo Vệ “Vizard” của họ, loại thiết bị này chỉ khác Lưới Bảo Vệ ở hình dạng của phần quai đeo. Ngoài ra còn có một thiết kế Nắp Bảo Vệ khác trên thị trường cùng thời điểm được cấp bằng sáng chế của Frank Farr ở Montreal, Canada với ngày ưu tiên là ngày 3 tháng 2 năm 1916.
Bằng sáng chế của Farr có thể đã xung đột với bằng sáng chế của Levi – Hirst và được ưu tiên hơn dù nhìn về kiểu dáng chúng có nhiều phần giống nhau. Tuy nhiên Farr đã được cấp bằng sáng chế PAT103815 cho thiết kế của mình.
Thiết kế của Farr nhìn có vẻ thẩm mỹ và ứng dụng hơn so với thiết kế của Levi – Hirst. Các thanh chắn hình dạng xoáy hướng tâm giúp việc nhìn giờ tốt hơn (các thanh không bị che phần kim đồng hồ như của Levi – Hirst). Phần quai đeo có khe giúp việc lắp những dây đeo có khóa dễ dàng bằng việc lách dây qua khe nhỏ trên quai đeo.
Ảnh từ vintagewatchestraps.com
Trong tình huống có quá nhiều phát minh có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, Hirst Brothers đã đưa ra cảnh báo trong một tiêu đề quảng cáo như sau: “Thành công phi thường của Lưới bảo vệ, Đăng ký No656724 P.PAT 11638/16, được cấp bằng sáng chế ở Pháp, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. “Những cái tên nghe có vẻ tương tự” do các nhà đại lý và cung cấp sản xuất sẽ bị đe dọa tiến hành các thủ tục pháp lý vì đã vi phạm bằng sáng chế hoặc thiết kế đã đăng ký của chúng tôi”.
Ngay lập tức sau đó, Boneham và Hart, nhà sản xuất Nắp Bảo Vệ “Vizard” bắt đầu khởi kiện chống lại Hirst Brothers. Lại thêm một vụ kiện lộn xộn về bàn quyền nữa chống lại Hirst.
Có thể mọi người sẽ tự hỏi rằng tại sao Hirst không theo kiện đến cuối cùng để đòi lại quyền lợi chính đáng cho phát minh của mình? Chúng ta cùng quay lại dòng lịch sử, quay lại lý do tại sao Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ được phát hành!
Hãy thử nhìn đến công dụng thực tế của Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ. Với quai đeo khá bé nhỏ giống càng quai chảo trên đồng hồ thì việc cả đồng hồ và quai đeo dễ bị bung ra khi thực hiện nhiệm vụ là điều khá thường xuyên xảy ra. Việc làm khuôn tạo ra các Nắp Bảo Vệ khá tốn kém. Chúng được phát hành rất nhiều và cũng hỏng rất nhiều khi sử dụng.
Cùng trong khoảng thời gian lịch sử này, các mặt kính “không thể phá vỡ” đã được cấp bằng sáng chế ở Thụy Sĩ và được sử dụng lần đầu tiên trên đồng hồ đeo tay vào năm 1915.
Quảng cáo của S. Smith và Son từ năm 1916 đã rất phổ biến trong thời kỳ Đại chiến. Vật liệu mới “không thể phá vỡ” đã được sử dụng – điều này đã được thể hiện đáng kể phần nào trong quảng cáo với hình ảnh người đàn ông và cây búa.
Ảnh từ vintagewatchstraps.com
Trên thực tế, những mặt kính “không thể vỡ” lần đầu tiên được cung cấp cho các nhà sản xuất đồng hồ ở Thụy Sĩ vào tháng 3 năm 1915. Để tránh sự co giãn do nhiệt của các vật liệu làm mặt kính trước đây, kỹ thuật lắp những “mặt kính không thể phá vỡ” vào khung niềng (bezel) dưới sức căng đã được phát triển.
(Ảnh phần mặt kính “không thể phá vỡ” mà tôi sở hữu. Chúng rất chắc chắn và có thể “hấp thụ” lực tác động lớn hơn nhiều so với mặt kính thường. Do quá trình sử dụng lâu dài (hơn 100 năm) nên mặt kính “không thể phá vỡ” này đã chuyển sang màu Tím!)
Mặt kính “không thể phá vỡ” ra đời trong đúng hoàn cảnh Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ ra đời! Tuy nhiên, có lẽ chính thiết kế mặt kính “không thể phá vỡ” mới là câu trả lời cho cách bảo vệ đồng hồ tốt nhất có thể lúc bấy giờ! Những mặt kính này có sức chịu lực cao hơn và bền hơn rất nhiều so với mặt kính thường. Đương nhiên chúng vẫn có thể bị hỏng do quá trình sử dụng trong chiến tranh nhưng dường như hiệu quả của nó tốt hơn rất nhiều so với Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ.
Những Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ với nhiều kiểu dáng và cách vận hành khác nhau dường như đã “đánh mất” đi chính mục đích ban đầu của việc sử dụng đồng hồ trong chiến tranh! Việc nhìn giờ nhanh chóng và giải phóng tay còn lại của người sử dụng bị hạn chế!
Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ càng phức tạp, chi phí sản xuất càng lớn, giá thành càng cao càng khiến cho việc sử dụng chúng khó khăn. Binh lính hoặc thậm chí là những người chỉ huy quân đội phải mất nhiều thời gian để sử dụng.
Chính vì vậy, việc sử dụng Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ thịnh hành trong 1 khoảng thời gian cực ngắn rồi dần biến mất. Việc tranh chấp bản quyền giữa các nhà sản xuất dường như cũng không còn trở nên cần thiết nữa. Đó là lí do mà Hirst cũng không theo đuổi những vụ kiện lộn xộn, tốn kém cả thời gian, công sức và tiền bạc cho những bản quyền đã chìm vào “dĩ vãng” và chìm vào một khoảng lịch sử ít người biết đến. Mọi thứ sinh ra hoặc “chết” đi đều có lí do của nó!
Trong thời kỳ bản quyền của Hirst, nhiều nhà sản xuất cũng đã cho ra đời những thiết kế Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ tích hợp ở dạng “đóng-mở”!
Dạng đặc biệt “đóng-mở” thứ nhất này khiến Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ ôm sát theo vỏ đồng hồ
Nhìn thật sự rất “ngầu” và tuyệt vời. Nhưng rất khó để có thể xem giờ khi đang thực hiện nhiệm vụ trên chiến trường! Việc mở ra mở vào nhiều, thường xuyên có thể làm hỏng phần “lò xo hãm” ở bên hông của Nắp Bảo Vệ.
Chính vì vậy dạng “đóng-mở” thứ hai được hình thành! Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ được tích hợp gắn liền với vỏ bằng 1 bản lề. Dạng thiết kế này được các nhà sưu tầm đồng hồ Đại Thế Chiến 1 (WWI) gọi với cái tên “hunter case” (vỏ thợ săn). Như vậy phần bản quyền thiết kế Nắp Bảo Vệ này đã được chuyển sang bản quyền Vỏ đồng hồ!
Rất nhiều suy đoán về 2 thiết kế “đóng-mở” này. Chúng chủ yếu được sử dụng bởi những sĩ quan làm việc giấy tờ hoặc các quan chức cấp cao, chỉ huy hay các vị tướng. Những người như vậy sẽ không cần sử dụng đồng hồ liên tục như binh lính được giao nhiệm vụ để phải thiết lập thời gian như một công cụ vận hành chiến đấu.
Đây là một chiếc đồng hồ được sinh ra năm 1914 sở hữu Nắp Bảo Vệ hình Đức Vua Albert Le Roi Des Belges, Hoàng Tử Bỉ, Công Tước Sachsen, Hoàng Tử Saxe-Coburg và Gotha, người thừa kế vương miện Bỉ (từ năm 1905 đến năm 1909), và sau đó là Vua của Bỉ (năm 1909 đến 1934). Chiếc đồng hồ ra đời đúng thời điểm Đại Thế Chiến Thứ 1 nổ ra, Nhà Vua đã chọn bảo vệ đất nước của mình, lãnh đạo đội quân chiến đấu chống lại sự xâm lược của Đức (vợ của ông là Công chúa Elisabeth xuất thân từ dòng dõi người Đức), khẳng định tính cách Bỉ của triều đại của mình (dù Bỉ luôn chọn phe trung lập).
Đây là một chiếc đồng hồ với Nắp Bảo Vệ “hunter” (thợ săn). Có lẽ những người như vị Vua Albert Le Roi Des Belges ít sử dụng đồng hồ nên phần bản lề vẫn còn trong tình trạng rất tuyệt vời.
Một số Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ khác có thể kẹp trực tiếp vào vỏ đồng hồ.
Một số khác được thiết kế dạng 2 nắp vỏ. Nắp ngoài bảo vệ cho toàn bộ đồng hồ bên trong. Và đồng hồ được bảo vệ hoàn hảo.
Nắp bảo vệ đồng hồ thực tế không thể bảo vệ đồng hồ như tên gọi ban đầu của nó “Nắp bảo vệ mảnh bom”! Chính vì vậy chúng đã chìm dần vào lịch sử và ít người biết đến. Giai đoạn sau này những thiết kế nắp bảo vệ đồng hồ cũng thay đổi để phù hợp hơn với mục đích sử dụng đồng hồ.
Đây là chiếc đồng hồ CWC G10 phát hành cho quân đội Hoàng Gia Anh (RAF) ở thập niên 1980s sử dụng dây đeo quân đội và Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ ở dạng nhựa cứng. Nắp bảo vệ ôm xát vào vỏ và núm để bảo vệ đồng hồ một cách rất chắc chắn.
Phần nắp bảo vệ sẽ nhô lên cao hơn so với kính để giảm các va chạm với mặt kính của đồng hồ. Tôi thấy đây là một thiết kế nắp bảo vệ rất thú vị nhưng đem lại hiệu quả rất tuyệt vời.
Chưa dừng lại ở đó, người Anh còn thiết kế những dạng nắp vảo vệ bằng vải quân sự để bảo vệ tốt hơn cho đồng hồ.
Hầu hết các thiết kế Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ đều đến từ Anh Quốc. Có lẽ đó cũng là một cái Nôi của nền công nghiệp đồng hồ thế giới. Vậy để trả lời cho câu hỏi rằng “đồng hồ có Nắp Bảo Vệ có thật sự đáng sưu tầm hay không?” thì câu trả lời là “Chắc Chắn Có!”. Những phát minh, những món đồ bị “lỗi” trong các giai đoạn lịch sử hay những phiên bản đầu tiên luôn được giới sưu tầm săn đón! Một món đồ sưu tầm chỉ phù hợp nếu bạn hiểu và chấp nhận hiểu giá trị của nó.
Hãy cùng Nam Nam phân tích sâu hơn 1 chút về 1 ví dụ đơn giản nhất chính là mặt Gilt mà tôi từng viết ở bài trước. Đó là những mặt số đen đầu tiên được sản xuất với công nghệ đời đầu. Chúng rất tuyệt nhưng chúng có nhược điểm là “có khả năng bị đổi màu hay Lão Hoá theo thời gian”!
=> Nếu nhìn dưới góc nhìn của 1 nhà sản xuất đã làm ra một sản phẩm có tuổi thọ không bền vững, nó nên bị dừng lại và cải tiến sang phiên bản mới tốt hơn (đó chính là Matte Black Dial đời sau này)!
=> Nếu nhìn dưới góc độ người tiêu dùng, sản phẩm có chất lượng không bền vững theo thời gian nhưng được bán với giá trị cao thì sản phẩm đó nên Được Cải Tiến!
===> Nếu nhìn dưới góc độ là một nhà sưu tầm thì chính việc có thể “Đổi Màu” theo thời gian thì mặt Gilt lại là “Chén Thánh” của mặt số đen! Nó đã bị dừng sản xuất, bị phá hủy, bị hỏng nên số lượng còn lại không nhiều. Và quan trọng nó có thể đổi màu ra màu Nâu (Brown) (Tropical dial) nếu có điều kiện thích hợp về khí hậu và thói quen sử dụng! Những đồng hồ sở hữu mặt Gilt luôn có giá trị cao hơn so với đồng hồ cùng loại. Đặc biệt nếu mặt Gilt lên màu Tropical hoàn hảo tồn tại ở những phiên bản quý của thương hiệu lớn thì có lẽ bạn sẽ thấy shock khi nhìn giá bán cuối cùng tại các cuộc đấu giá!
Ảnh từ HODINKEE
Bạn có thể thấy 1 ví dụ shock về mẫu Omega Speedmaster ref 2915-1 vừa được đấu giá lên tới 3,4 triệu $ (~81,6tỷ vnđ). Đó là một ví dụ tiêu biểu về Giá khi “những điểm đặc biệt cùng tồn tại trên một phiên bản hiếm của 1 thương hiệu lớn được các nhà sưu tầm săn đón! Quy luật này cũng sẽ không thay đổi đối với Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ! Những chiếc đồng hồ càng hiếm có Nắp Bảo Vệ càng phức tạp, càng ít gặp, của thương hiệu càng lớn thì sẽ càng có giá trị!
Thời kỳ đầu của đồng hồ đeo tay rất nhiều chiếc đồng hồ có thiết kế đơn giản (không in thương hiệu lên mặt số) và của nhiều nhà sản xuất rất bình thường khác nhau. Chúng rất tuyệt vời để những nhà sưu tầm mới “bắt đầu” vì giá trị của chúng sẽ thấp hơn nhiều so với những thương hiệu lớn được mọi người săn đón (nếu cùng cơ chế bảo vệ).
Sau khi hiểu biết tăng lên, những nhà sưu tầm cũng vì thế muốn tìm cho mình những chiếc đồng hồ có thể sử dụng được Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ nguyên bản thời kỳ đầu. Vì vậy đã có nhiều đồng hồ thời kỳ sau được phát hiện sử dụng chung với Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ thời kỳ trước. Điều này hoàn toàn bình thường nếu bạn hiểu rõ lịch sử và hoàn cảnh của 1 món đồ khi chúng sinh ra. Phải mất rất nhiều năm 1 món đồ mới, 1 phát minh mới, mới có thể tạo dựng được niềm tin và khơi gợi lên nhu cầu sử dụng từ phía khách hàng. Những đồ tồn trong kho (NOS) cũng vì thế được bán ra sau đó để khách hàng sử dụng.
(Tôi đã viết rất rõ ở bài viết trước. Bạn có thể xem lại ngay ở đây)
Nhiều người hỏi tôi rằng họ có thể sử dụng Nắp bảo vệ đồng hồ nguyên bản thời kỳ đầu lắp với những chiếc đồng hồ họ yêu quý hay không thì câu trả lời của Nam Nam là “chắc chắn có”! Tại sao lại không? Chỉ cần nó đủ hiếm, đủ đẹp, đủ để bạn thật sự yêu thích, vậy là đủ! Bạn vẫn nhớ câu nói của tôi ở bài viết trước đúng không?
“Hãy đeo, sưu tầm và tận hưởng những gì bạn thích. Mọi người sẽ luôn có ý kiến riêng của họ. Và cuối cùng bạn cũng phải thừa nhận với tôi rằng bạn phải làm hài lòng chính mình chứ không phải người khác.”
“Wear and enjoy what you like. Everyone will always have their own opinions but ultimately you have to please yourself – not others”.
Cuối cùng, mọi người sẽ tò mò rằng không biết Nam Nam sẽ giới thiệu đến với mọi người chiếc đồng hồ hiếm nào về chủ đề “Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ” đúng không? Liệu đó có phải là đồng hồ đến từ thương hiệu mọi người hay biết đến như Rolex hay Omega?
Tôi là một nhà sưu tầm rất yêu thích thương hiệu Longines. Chắc chắn 1 điều chiếc đồng hồ Longines trench đời đầu với nắp bảo vệ đặc biệt ở dạng Telephone (phần quay số trên điện thoại thời kỳ đầu) full box và giấy tờ sẽ được thêm vào bộ sưu tập của tôi.
Thoạt nhìn qua đồng hồ ta đã thấy sự đặc biệt của phần nắp bảo vệ so với tất cả những nắp bảo vệ thông thường.
(Nếu tinh ý nhìn trên phần chữ ở Hộp Longines sâu tuổi, đây cũng là một trong những phiên bản giới hạn được sản xuất “This watch is one of a limited series…”)
Phần nắp bảo vệ dính chặt vào vỏ. Điều này sẽ khắc phục được sự cố bị bung ra như các nắp bảo vệ thông thường có quai đeo. Chúng ta cũng dễ dàng để đọc thời gian hiển thị trên mặt số đồng hồ qua các lỗ telephone hơn là qua các khe lưới.
Nắp bảo vệ đặc biệt này được thiết kế như một phần niềng (bezel) thêm gắn lên trên (có gờ bám cố định chắc chắn). Và có thể tháo rời được bằng việc sử dụng công cụ tháo niềng hay 1 con dao mỏng, chắc chắn (nếu bạn đã quen với thao tác).
Nắp bảo vệ có triện khắc “BREVET” và “Triện Chữ Thập Liên Bang Thuỵ Sỹ”-“Swiss Federal Cross”. Các triện khắc này thường là tham chiếu cho 1 bằng sáng chế. Cá nhân tôi nghĩ rằng đây là một trong những Nắp Bảo Vệ Đồng Hồ hiệu quả nhất và chế tác cầu kỳ nhất. Bởi lẽ nắp bảo vệ này có phần hiển thị đẹp và cân đối nhất. Việc chế tác cầu kỳ hơn so với các nắp bảo vệ khác. Các nắp bảo vệ khác sẽ phải làm khuôn theo size rồi dập để cho ra lò các mẫu nắp bảo vệ giống nhau. Còn nắp bảo vệ Telephone này được gắn trực tiếp lên phần niềng của vỏ (đè lên trên để bảo vệ mặt kính đồng hồ). Như vậy phần gờ gắn Nắp bảo vệ và phần Nắp bảo vệ phải được làm thủ công cho từng kích cỡ size đồng hồ. Phần mặt kính cũng không dễ dàng thay thế vì dung sai giữa niềng và nắp bảo vệ không nhiều. Đó là lý do tôi càng cảm thấy chiếc đồng hồ đặc biệt hơn các mẫu hiếm khác.
Thật tuyệt vời đồng hồ sở hữu mặt số men nung qua lửa (enamel dial) hoàn hảo.
Bộ kim thật tuyệt vời và đặc biệt.
Phần vỏ đồng hồ được làm bằng bạc nguyên khối 2 nắp đáy trong tình trạng tuyệt vời.
Cả 2 nắp đáy đều có số serial trùng nhau. Giờ chúng ta sẽ cùng chiêm ngưỡng qua phần máy của đồng hồ.
Đây là cỗ máy 13.34 đời đầu trong tình trạng tuyệt vời. Longines sản xuất các mẫu đồng hồ xưa có sự liên hệ giữa máy và vỏ qua số Serial. Nên mẹo nhỏ để kiểm tra nhanh năm sản xuất của đồng hồ Longines chúng ta có thể dựa theo số serial trên vỏ đồng hồ. Việc làm này sẽ giảm thiểu thiệt hại không đáng có khi tháo mặt số của những chiếc đồng hồ sâu tuổi (đặc biệt là mặt men). Nhiều thợ đồng hồ không cẩn thận sẽ làm nứt mặt men, điều này làm giảm giá trị rất lớn của đồng hồ.
Với số serial 3 triệu 37x ngàn chiếc đồng hồ được sản xuất cuối năm 1915 và đầu năm 1916 (đúng trong giai đoạn mà bản quyền về Nắp bảo vệ đồng hồ được tranh chấp mạnh mẽ nhất). Tính đến năm 2022, thì đồng hồ hiện đang ở tuổi 106.
(Nếu bạn đã quên cách tính năm sản xuất đồng hồ Longines bạn có thể xem ngay tại đây.)
Thật tuyệt vời đồng hồ sở hữu Medium size 35mm không tính núm vặn.
Một chiếc đồng hồ cổ sẽ càng đặc biệt hơn nếu size của nó lớn hơn bình thường so với những chiếc đồng hồ thông thường trong cùng giai đoạn phát triển (boy size từ 28-32mm).Size 35mm không tính núm vặn là size tuyệt vời của đồng hồ cổ tuổi đời trên 100 năm và đặc biệt là thương hiệu Longines. Chúng rất hiếm và đắt!
Đồng hồ thật tuyệt vời khi nhìn tổng thể. Rất nhiều triện bạc trên cả quai chảo và khóa. Phần nắp bảo vệ Telephone đặc biệt này cũng làm bằng bạc khối (tôi đã kiểm tra Nắp bảo vệ ở một trong những người nghệ nhân, người thợ kim hoàn tuyệt vời top đầu Hà Nội).
Tôi đã đặt may dây đeo theo 1 trong những kiểu dáng quân đội WWI lắp cùng khóa bạc khối Sterling size 16mm bên cạnh khóa bạc khối theo đồng hồ. Chiếc khóa này cũng thật sự rất hiếm và có giá trị.
Cuối cùng, để sở hữu một bộ sưu tập không những hiếm có, đầy đủ và phá vỡ mọi giới hạn mà bạn biết về đồng hồ cổ, tôi đã tự tay vẽ 1 bức tranh để kỷ niệm sự có mặt của chiếc đồng hồ Longines có nắp đấy Telephone trong bộ sưu tập của mình.
Đây cũng là may mắn và cũng là niềm tự hào khi sở hữu chiếc Longines dặc biệt này.
Hy vọng bài viết sẽ được đón nhận và chia sẻ đến với các anh em đam mê đồng hồ.
Group trên facebook mang tên “Cộng Đồng Chơi Đồng Hồ Việt Nam:All Brands”. Bạn chỉ cần click vào tên Group trong bài viết này để tham gia Group miễn phí. Mọi người hãy đọc nội quy Group để sinh hoạt được tốt nhất nhé!
You May Also Like

Không Thấy Số Serial-Cách Tra Cứu Năm Sản Xuất Đồng Hồ
March 26, 2020
Phụ Kiện Đồng Hồ:Những Điều Có Lẽ Bạn Sẽ Không Bao Giờ Biết!
October 29, 2021