
Những Thứ Giá Trị Nhất Của Một Chiếc Đồng Hồ Cổ (P3)
Nối tiếp chuỗi bài về những thứ giá trị nhất của một chiếc đồng hồ là Mặt Số (Dial) và Phần Máy (Movement) thì trong bài viết này tôi xin đề cập đến một thứ cũng không kém phần quan trọng mà bình thường rất ít nhà sưu tầm để ý đến. Đó chính là Phần Vỏ (Case) của đồng hồ. Để lý giải vì sao Phần Vỏ lại được coi là một bộ phận rất quan trọng thì đầu tiên tôi xin trích dẫn 2 ví dụ về 2 chiếc Omega vintage rất đỗi quen thuộc và được hãng “tái bản” lại rất nhiều lần.
Đầu tiên chính là chiếc Omega ref 2998/1 đã được tổ chức đấu giá Phillips đấu giá vào ngày 12-13 tháng 5 năm 2018.
Thứ hai chính là chiếc Omega ref 2915/1 cũng được tổ chức Phillips đấu giá cùng ngày 12-13 tháng 5 năm 2018.
Thoạt nhìn qua 2 chiếc đồng hồ Omega này thì ta chỉ thấy rằng chúng chỉ khác nhau mỗi bộ kim giờ-phút-kim đếm giây chronograph và phần niềng (bezel tachymetre) còn bên trong Phần Vỏ thì chỉ khác nhau đơn giản là những “Con Số” được Hãng đóng lúc sản xuất là “2998/1” hay “2915/1” bên cạnh những “ký tự” khác của Hãng. Tiếp đến chúng ta thử cùng nhìn mức giá mà cả 2 chiếc đồng hồ này đã được bán ở cùng một thời điểm tại cùng một nhà đấu giá! (Có rất nhiều tổ chức đấu giá khác nhau và sẽ có nhiều tham chiếu về cả tình trạng và giá bán của những chiếc đồng hồ Omega như vậy. Có tổ chức đấu giá kết thúc cao có tổ chức đấu giá kết thúc thấp hơn vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng tôi sẽ chỉ xin trích dẫn 2 chiếc Omega với cùng 1 nhà đấu giá ở cùng 1 thời điểm để mọi người thấy sự KHÁC BIỆT giữa những con số trên Phần Vỏ sẽ làm Giá Trị của chúng khác nhau như thế nào!)
Chiếc Omega ref 2998/1 cũng là đời đầu tiên của ref 2998 đã được đấu giá với giá kết thúc là 62500CHF (Franc Thuỵ Sỹ) ~1tỷ 496 triệu vnd năm 2018.
Còn chiếc Omega ref 2915/1 cũng là đời đầu tiên của ref 2915 (một trong bộ 3 iconic của Hãng Omega năm 1957 bên cạnh Omega Seamaster 300 ref 2913 và Omega RailMaster ref 2914) được đấu giá với giá kết thúc là 408500CHF (Franc Thuỵ Sỹ) ~ 9tỷ 779 triệu vnđ ở năm 2018.
Vậy giờ ta thử xem ví dụ về một chiếc Omega ref 2915/2 được tổ chức Phillips đấu giá vào ngày 10 tháng 11 cùng năm 2018 với 2 chiếc Omega đã dẫn chứng ở trên.
Giá kết thúc tại thời điểm 2018 tại Phillips là 225000CHF (Frans Thuỵ Sỹ)~ 5tỷ401 triệu vnđ ở năm 2018. Vậy một câu hỏi được đặt ra là “những ký tự khắc” ở Phần Vỏ sao lại khiến Giá Trị của chúng chênh lệch nhau lớn đến vậy? Câu trả lời rất đơn giản, những “ký tự” đó sẽ chỉ ra: Đời và Năm Sản Xuất hay sự kiện nào đó mà đồng hồ được “sinh ra” và “sinh ra” với mục đích nào! Thậm chí cũng cùng số Ref nhưng nếu là những đời “Ref/1” hay “Ref-1” thì đó là những đời Đắt Giá Nhất và được săn đón nhiều nhất! Với chiếc Omega ref 2915 ở trên thì từ đời “/1” sang đời “/2” thôi mà giá trị của chúng vào năm 2018 đã cách nhau tận 408500-22500= 183500CHF ~4tỷ 405 triệu vnđ (gần gấp đôi).
Có người sẽ nói rằng chỉ khác có mỗi Con Số và Bộ Kim với Niềng mà giá cao thế thì thà tôi mua vài chiếc Ref 2998/1 hay mua hàng trăm, hàng nghìn mẫu đời sau hoặc tái bản còn hơn! Tất nhiên đó là quyền và sự lựa chọn của mỗi người chơi. Nhưng với những nhà sưu tầm thực sự, có lẽ họ sẽ cảm thấy thú vị và mãn nguyện hơn khi sở hữu những món đồ cổ “gắn liền với sự kiện lịch sử”. Nếu là đời đầu tiên và càng đặc biệt thì càng tốt.
Dưới đây, ta cùng tìm hiểu về nhiệm vụ của vỏ đồng hồ, các tiêu chí để đánh giá vỏ của một chiếc đồng hồ và tầm quan trọng của các biểu tượng đúc nổi trên đáy.
A. “Nhiệm Vụ” Của Phần Vỏ Đồng Hồ
Việc quan trọng nhất của phần vỏ chính là chỉ ra “Đời Sản Xuất” của chiếc đồng hồ. Thử xem một vài ví dụ dưới đây để tìm hiểu rõ hơn:
Đây phần nắp đáy của 1 chiếc Wittnauer Supercompressor Diver có khắc “C11KAS” và triện này trùng luôn với triện “C11KAS” trên phần máy.
Phần vỏ fit vs bộ máy này giúp những nhà sưu tầm liên tưởng ngay đến dòng SuperCompressor đỉnh cao của Wittnauer từng sản xuất dựa trên nền tảng “thiết kế” của chiếc Longines Legend SuperCompressor Diver huyền thoại mà Longines sản xuất. Vậy đôi khi dựa vào phần vỏ cũng xác định được cả phần máy đúng đời với đồng hồ.
Ví dụ về phần nắp đáy của 1 chiếc Longines SuperCompressor Chronograph mà tôi sở hữu thậm chí không những chỉ ra ref của đồng hồ, đây là đời đầu “-1” mà còn khắc đời máy “330” và cả năm sản xuất “68”~1968.
Điều này ta thấy rất phổ biến với những dòng Rolex vintage đời 4 số.
Đây chính là nắp đáy của 1 chiếc Rolex 4 số có khắc năm sản xuất của đồng hồ “72”~1972. Khi nhìn thấy nắp đáy thì nhiều nhà sưu tầm cũng đoán được Ref của chiếc Rolex này là một trong những phiên bản bản Datejust. Với mặt đáy như vậy họ sẽ hy vọng rất lớn vào mặt số đặc biệt vì đồng hồ sinh năm 1972 (năm mà rất nhiều mặt số Sigma hiếm ra đời!).
B. Các Tiêu Chí Để Đánh Giá Phần Vỏ
1. Kiểu dáng
Với một người chơi thông thường, việc lựa chọn chiếc đồng hồ ưng ý để sưu tầm chắc chắn phải liên quan đến mặt thẩm mỹ. Do đó, Kiểu Dáng đóng vai trò rất quan trọng. Những chiếc đồng hồ tuy cùng dòng nhưng những bản có thiết kế đẹp hơn và được ưa chuộng hơn chắc chắn giá trị sẽ lớn hơn rất nhiều. Quen thuộc nhất chính là những chiếc Omega Constellation ở Việt Nam, những phiên bản “Càng Gãy” chắc chắn có giá trị cao hơn những phiên bản “Càng thẳng” hay “Mu Rùa” ở cùng tình trạng (không xét đến độ hiếm của Mặt Số).
Đây là hình ảnh chiếc Omega Constallation Pie Pan mà tôi từng sở hữu.
Nhìn vào bộ vỏ tuyệt vời với “càng gãy” đi cùng với dạng mặt số hiếm nhất của dòng Constellation thì đây quả thật là phiên bản được nhiều nhà sưu tầm thế giới săn đón. Tất nhiên những chiếc hoàn hảo luôn có xu hướng tăng giá trị dần theo thời gian!
2. Chất liệu của bộ vỏ
Với những món đồ sưu tầm thì Vỏ Thép (Stainless Steel: hay được gọi tắt là “SS” ở Việt Nam) sẽ được Giới Chơi Toàn Cầu Ưa Chuộng Nhất! Đơn giản vì độ hiếm của vỏ thép sẽ hiếm hơn nhiều so với vỏ vàng! Và một chiếc đồng hồ vỏ thép sẽ bền hơn và cứng hơn so với vỏ vàng rất nhiều. Càng dùng theo thời gian thì màu thép càng đẹp. Tuy nhiên mỗi nhà sưu tầm sẽ tự lựa chọn điểm thú vị riêng của từng loại vỏ khi chơi. Có nhà sưu tầm đơn giản sưu tầm vỏ vàng vì thích những dấu “Triện” đóng trong vỏ. Chúng thật sự rất tuyệt vời!
Bên dưới là những ví dụ về vỏ đồng hồ làm bằng vàng khối 9k, 14k và 18k của Thuỵ Sỹ.

Đây là vỏ của 1 chiếc đồng hồ Longines Flagship bằng vỏ vàng hồng 9k với “Triện” Morgenstern (hình cây truỳ gai) kèm theo định lượng vàng.

Đây là vỏ của 1 chiếc đồng hồ Tissot làm bằng vỏ vàng đúc 14k với “Triện”. “Écureuil” (hình con sóc) kèm theo định lượng vàng

Đây là vỏ của 1 chiếc Eterna Matic với vỏ vàng 18k có “Triện” Helvetia (được gọi là Triện Nữ Hoàng hay Đầu Bà Đầm) kèm định lượng vàng rất đẹp.
Bên cạnh những bộ vỏ làm bằng thép, bằng vàng thì những nhà sưu tầm cũng săn lùng rất gắt gao những bộ vỏ làm bằng bạc. Vì những bộ vỏ làm bằng bạc sẽ gắn liền với những chiếc đồng hồ cực sâu tuổi. Dưới đây là những bộ vỏ đồng hồ làm bằng bạc rất quý hiếm:

Đây là bộ vỏ bạc của hãng Longines sản xuất những năm 1909 với triện bạc “Ours” (Con Gấu) rất sâu tuổi.


Rất nhiều những “triện bạc” sâu tuổi trên những chiếc đồng hồ xưa mà tôi sở hữu.
3. Biểu Tượng Đúc Nổi Phía Sau Nắp Đáy
Thường thì chỉ có những phiên bản đặc biệt của mỗi dòng hãng mới làm đáy đúc nổi biểu tượng. Rất nhiều nhà sưu tầm đơn giản vì thích mỗi nắp đáy đúc nổi. Mỗi hình ảnh, biểu tượng đúc nổi đều có ý nghĩa riêng khi Hãng sản xuất và có ý nghĩa kết nối vs nhà sưu tầm!

Đây là phần đáy đúc nổi chiếc thuyền buồm rất nổi tiếng của Longines trên những phiên bản Flagship. Nhiều nhà sưu tầm Việt Nam hay sưu tầm với ý nghĩa “Thuận Buồm Xuôi Gió” cầu bình an và may mắn.

Đây là phần đáy đúc nổi trên những chiếc Wyler 2 cá dòng cao cấp. Nhiều nhà sưu tầm chỉ thích ý nghĩa hình tượng “đôi cá” trong phong thuỷ và biểu tượng “Vành Tóc Giun” giống với hình tượng “Bát Quái”.Tất cả đều nằm trong chiếc khiên tượng trưng cho sự bảo vệ. Có lẽ họ coi đây vừa là những chiếc đồng hồ gắn với thời ông cha mình và còn có ý nghĩa như 1 chiếc bùa bảo vệ chủ nhân.
4. Ký Tự Đặc Biệt Trên Vỏ
Phần cuối cùng chính là những chiếc đáy có khắc những “ký tự” đặc biệt để đánh dấu những sự kiện lịch sử nào đó. Đôi khi chiếc đồng hồ rất thông thường nhưng với những “ký tự” này sẽ khiến Giá Trị của chúng tăng lên rất rất nhiều!

Đây là phần chữ khắc nằm trên chiếc đồng hồ Waltham Type A-11 giành cho không quân Mỹ trong Thế Chiến Thứ 2. Những chữ khắc này đã khiến những chiếc đồng hồ trở thành “Nhân Chứng” cho Sự Kiện Lịch Sử đã được diễn ra! Chúng gắn với lịch sử!

Đây là phần ký hiệu trên một chiếc đồng hồ Omega. Nó là phiên bản kỷ niệm rất đặc biệt mà hãng đã được những tổ chức đặc biệt đặt hàng riêng để trao tặng cho những cá nhân xuất sắc nhất! Chính vì vậy chúng sẽ có những Mặt Số Rất Đặc Biệt đi kèm!
Vậy câu hỏi cuối cùng được đặt ra là “mọi ký tự khắc trên vỏ đều quan trọng với mọi loại đồng hồ?”. Câu trả lời là chỉ những dòng sưu tầm đỉnh cao thì “chúng” thật sự rất rất quan trọng! Còn những bản phổ thông hoặc giá trị thấp đơn thuần chủ sở hữu chỉ quan tâm đến Kiểu Dáng và Chất Liệu mong muốn.
Có rất nhiều người mong muốn sở hữu những chiếc đồng hồ có bộ vỏ quý hiếm nhưng vì một phần kinh tế chưa cho phép nên họ lựa chọn những phiên bản đời sau để sưu tầm. Cũng có những nhà sưu tầm không thiếu thốn về mặt tài chính nhưng có thể do kiến thức của họ còn chưa tích luỹ đủ để nhận biết và phân biệt nên họ cũng sẽ “say no” với những chiếc đồng hồ có bộ vỏ quý hiếm. Do vậy mỗi người chơi đồng hồ cổ hãy trang bị thêm kiến thức để tăng trình hiểu biết của mình đồng thời hãy lên kế hoạch tài chính để một ngày nào đó bạn sẽ sở hữu được đúng chiếc đồng hồ mà bạn yêu thích.
Xin chúc mọi người sẽ có thêm hiểu biết trong cuộc chơi đầy thú vị này! Hy vọng bài viết sẽ được đón nhận và chia sẻ đến với nhiều anh em đam mê đồng hồ.
Tôi có mong muốn xây dựng một cộng đồng chơi đồng hồ ở Việt Nam văn minh, quy tụ những người chơi đồng hồ trong cả nước, hiện đã có rất nhiều người chơi rất sâu tham gia vào Group.
Group trên facebook mang tên “Cộng Đồng Chơi Đồng Hồ Việt Nam:All Brands”. Bạn chỉ cần click vào tên Group trong bài viết này để tham gia Group miễn phí. Mọi người hãy đọc nội quy Group để sinh hoạt được tốt nhất nhé!
You May Also Like

HARWOOD – Cỗ Máy Đeo Tay Tự Động Đầu Tiên Của Thế Giới
December 14, 2020
Bảo Vệ Đồng Hồ Như Thế Nào Mới Là Đúng?
March 14, 2020