
Những Thứ Giá Trị Nhất Của Một Chiếc Đồng Hồ Cổ (P2)
Ở Phần 1, tôi đã đề cập đến “Thứ Giá Trị Nhất” mà mỗi Collector (nhà sưu tầm) đều hướng đến đầu tiên khi sưu tầm đồng hồ cổ. Một trong số đó chính là Mặt Số của đồng hồ cổ. Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến một phần rất rất quan trọng, quan trọng chỉ sau Mặt Số của đồng hồ cổ. Đó chính là “Phần Máy Đồng Hồ” (Movement).
Để mở đầu bài viết, tôi sẽ phân tích sơ qua chức năng của một chiếc đồng hồ thông thường sẽ ảnh hưởng thế nào đến phần máy của chúng (hoặc ngược lại). Ở thời kỳ hiện đại, những chức năng chronograph đếm giờ khá phổ biến, ta có thể bắt gặp rất nhiều ở ngay cả những chiếc đồng hồ điện tử, thông minh hay những chiếc đồng hồ sử dụng những cỗ máy “dùng chung” (thường được đặt hàng bởi các nhà sản xuất máy theo yêu cầu của hãng, và hãng sẽ chỉ cần điều chỉnh nho nhỏ để có “dấu ấn thương hiệu” của mình trên đó và…bán!). Còn ở những thời kỳ đầu tiên của đồng hồ, những cỗ máy được sản xuất ra có thể được coi là “những phát minh”. Có nhiều cỗ máy thể hiện sự “đẳng cấp chế tác” về cả “kỹ thuật luyện kim” đến “kỹ thuật phát triển mô hình máy đồng hồ”! Nếu được sản xuất trong thời kỳ này thì những cỗ máy dường như là những “thành phố thu nhỏ” đang hoạt động.
Dưới đây là hình ảnh của 1 chiếc đồng hồ đeo tay Longines được đấu giá vào ngày 14/5/2016 tại tổ chức đấu giá Phillips (một tổ chức chuyên đấu giá những món đồ cổ quý hiếm và giá trị cao)
Thoạt nhìn qua thì ta chỉ thấy đây là chiếc đồng hồ rất bình thường với chức năng chronograph thông thường (chức năng đếm giờ mà rất rất nhiều loại đồng hồ cả mới và cổ đều có). Nhìn vào mặt số zin ta chỉ thấy đồng hồ có 2 subdials (2 ô hiển thị nhỏ) và “dư” thêm 1 cái kim đo đỏ.
Giờ thì ta thử ngắm qua phần máy (movement) của chiếc đồng hồ này qua hình ảnh mà Hodinkee đã đăng tải
Nếu đưa cho bất cứ ai dù không hề có kiến thức gì về đồng hồ cũng sẽ phải thốt lên 1 điều rằng cỗ máy thật sự “rất kinh khủng”! Đây chính là cỗ máy chronograph mang tên 13ZN12 huyền thoại đã được hãng Longiness mod (điều chỉnh) phần chronograph đếm giờ (từ vị trí Subdial phụ) sang ví trí bộ kim trung tâm. Thật sự việc một “trục kim” có gắn “hàng loạt” rất nhiều kim khác nhau và mỗi kim đều có chức năng riêng là một điều rất rất khó để “chế tác”! Cỗ máy này còn tích hợp cả chức năng FlyBack (chỉ cần bấm nút Reset thì ngay lập tức mọi chức năng sẽ quay trở về vạch xuất phát để bắt đầu một cơ chế đếm giờ mới. Những dòng chronograph thông thường phải mất 3 lần bấm Stop-Reset-Start mới có thể thực hiện lại được chức năng chronograph. Chức năng Flyback thường được sử dụng trong không quân). Cỗ máy 13ZN12 với chức năng Central Minute Flyback Chronograph này được mệnh danh là một trong những cỗ máy HUYỀN THOẠI và PHỨC TẠP nhất của bất kỳ Hãng nào từng sản xuất tại thời điểm đó. Ngay cả đến bây giờ cũng rất rất ít hãng có đủ trình độ và năng lực để Build một cỗ máy như vậy. Giá đấu giành cho chiếc Chronograph này từ những năm 2016 đã lên đến 87500 CHF (Franc Thuỵ Sỹ)~ 2 tỷ 92 triệu vnd ở thời điểm đó. Mức giá này một phần đã minh chứng cho việc chiếc đồng hồ này sở hữu bộ máy khủng đến như vậy
Chưa dừng lại ở đó, những chiếc 13ZN này đã tăng giá một cách chóng mặt khi đã đạt đấu giá là 156000EURO (khoảng ~4 tỷ 46 triệu vnd bao gồm cả phần hoa hồng cho nhà tổ chức đấu giá) chỉ sau 2 năm vào 7/12/2019 ở một buổi đấu giá dành cho những collector Longines mặc dù phiên bản này chưa hoàn chỉnh “Zin Toàn Bộ Đúng Đời” mà chỉ là Zin Toàn Bộ và “Chưa Đúng Đời” ở một “bộ phận”.
Những chiếc hoàn hảo 100% thậm chí sẽ được những nhà sưu tầm mua với giá gấp “x” lần vì đây là những món sưu tầm “Over Price” và rất khó tìm kiếm linh kiện. – Qua ví dụ trích dẫn ở trên, ta thấy được rằng Phần Máy sẽ là phần cực kỳ quan trọng đối với những chiếc đồng hồ dòng sưu tầm! Cỗ máy càng hiếm sẽ tạo nên những chiếc đồng hồ hiếm và giá trị cao!
Tất nhiên giá của những chiếc đồng hồ sở hữu bộ máy khủng lại còn ở tình trạng hoàn hảo là cực “chát”. Tại sao vậy? Bởi vì những chiếc đồng hồ hiếm khi bị hỏng hóc thì việc tìm kiếm linh kiện là rất rất khó. Thậm chí còn không thể tìm được. Thông thường những nhà sưu tầm phải mua một chiếc giống hệt như vậy ở tình trạng không được tốt chỉ để lấy linh kiện nhằm tạo nên một chiếc hoàn hảo. Do vậy, giá phải trả cho chiếc đồng hồ là rất cao chưa kể đến công sức tìm kiếm chiếc giống hệt vậy đôi khi kéo dài cả vài năm trời mà chưa chắc đã có. Đó là lý do khiến những nhà sưu tầm sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn ban đầu rất nhiều để sở hữu một chiếc hoàn hảo nếu họ may mắn tìm thấy được.
P/s: Bên dưới là những cỗ máy rất hiếm trong bộ sưu tập của tôi. Kính mời các bác tham quan và thưởng lãm! –
Đây là cỗ máy Longines 8 ngày sinh gần cuối năm 1912 với tuổi đời ~108 tuổi cực hiếm. Nó cũng là một trong những đời máy 8 ngày đầu tiên của Longines.
Đây là cỗ máy Longines Val 72 cực hiếm sinh năm 1968 là đời đầu tiên và là đời máy Val 72 hiếm nhất với 4 “Núm” chức năng. Tôi sẽ có bài viết riêng về chiếc đồng hồ Longines sử dụng máy Val 72 quan trọng này ở những bài viết sau.
Đây là cỗ máy Longines Central chronograph Flyback rất hiếm. Chức năng bấm giờ tương tự với cỗ máy 13ZN12 nhưng chỉ có 1 nút bấm.
Đây là những cỗ máy lên dây Center Second (dòng kim giây trung tâm) trên những chiếc đồng hồ Trench. Những cỗ máy này rất hiếm vì ở những đời Trench watches thường sử dụng những cỗ máy 2,5 kim (kim giây bé nhỏ ở vị trí 6h).
Xin chúc mọi người sẽ có thêm hiểu biết trong cuộc chơi đầy thú vị này! Hy vọng bài viết sẽ được đón nhận và chia sẻ đến với nhiều anh em đam mê đồng hồ.
Tôi có mong muốn xây dựng một cộng đồng chơi đồng hồ ở Việt Nam văn minh, quy tụ những người chơi đồng hồ trong cả nước, hiện đã có rất nhiều người chơi rất sâu tham gia vào Group.
Group trên facebook mang tên “Cộng Đồng Chơi Đồng Hồ Việt Nam:All Brands”. Bạn chỉ cần click vào tên Group trong bài viết này để tham gia Group miễn phí. Mọi người hãy đọc nội quy Group để sinh hoạt được tốt nhất nhé!
You May Also Like

Mặt Đáy Đúc Nổi-Sự Lôi Cuốn Lạ Kỳ
June 9, 2020
Bảo Hành Trọn Đời Của Wyler
November 6, 2019