
11 Lưu Ý Trước Khi Bạn Là Nhà Sưu Tầm Đồng Hồ Thật Sự
Đây là bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân của tôi với mong muốn đem lại những góc nhìn thú vị cho những nhà sưu tầm đồng hồ cổ nói riêng và người chơi đồng hồ nói chung.
1) Chỉ Sưu Tầm Những Chiếc Đồng Hồ Bạn Thật Sự Yêu Thích.
Tìm hiểu về chiếc đồng hồ bạn có ý định mua là một việc hết sức cần thiết để tránh việc “cả thèm chóng chán” sau này. Lên danh sách về dòng đồng hồ, size, chất liệu, máy, mặt số, thiết kế, lịch sử,…hay đơn thuần là thương hiệu mà mình yêu thích để chọn lựa cũng là một ý tưởng không tồi. Tuy nhiên, hãy sưu tầm những chiếc đồng hồ đơn giản chỉ vì bạn thực sự thích chứ không phải vì giá của nó. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy “mình là 1 tay chơi thật sự” và tự tin hơn khi đeo những chiếc đồng hồ mình yêu quý.
2) Hãy Bỏ Qua Những Lời Bình Luận “Không Hay Ho” Về Chiếc Đồng Hồ Của Mình.
Tôi thấy rất nhiều trường hợp khi một ai đó đăng tải hình ảnh chiếc đồng hồ của họ lên, ngay lập tức có rất nhiều người bàn tán và nhận xét sau lưng một cách tiêu cực.
Thiết nghĩ đồng hồ hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng đều có cách “cảm nhận” riêng của mỗi người khi chơi. Và dù đồng hồ của họ sưu tầm có chưa được “hoàn thiện” cũng k nên là chủ đề bàn tán của mọi người. Biết đâu chiếc đồng hồ đó họ làm lại mặt số vì muốn giữ kỷ niệm của chiếc đồng hồ với con người, sự kiện nào đó hay đơn giản họ sưu tầm những chiếc đồng hồ này chỉ để “Chơi Máy Móc” với giá thấp hơn.
Đồng hồ có thể mất núm, thay núm, thay kim mới! Nhưng có thể chủ nhân họ tự ý thay và giữ lại đồ zin. Họ thích làm vậy để ngắm nhìn những ý tưởng mới khi chơi. Quan trọng, họ cảm thấy hạnh phúc là được
Thường khi “bình đồ”, con người ta sẽ “bình” luôn cả chủ nhân của món đồ! Có thể điều này sẽ làm chủ nhân cảm thấy tự ti với cách chơi của họ. Cá nhân tôi cảm thấy mình chỉ nên khen ngợi, chúc mừng họ khi họ sở hữu được chiếc đồng hồ họ thích.
3) Hãy Tìm Đến Những Người Bán Uy Tín Nếu Bạn Sợ Mắc “Bẫy”.
Nếu Thế Giới có câu nói nổi tiếng được truyền tai nhau là “Buy The Seller, Not Buy The Watches”! Thì ở Việt Nam có một câu nói cũng phổ biến không kém là “Chọn Mặt Gửi Vàng”. Cho dù bạn là fan của những chiếc đồng hồ mới hay đồng hồ cổ thì việc lựa chọn người đem lại cho bạn chiếc đồng hồ còn quan trọng hơn bản thân chiếc đồng hồ bạn sẽ mua. Nếu người bán có hiểu biết và chân thật, thì chắc chắn chiếc đồng hồ bạn nhận được sẽ đem lại sự thoả mãn tột bậc.
4) Định Giá Thử Giá Trị Của Chiếc Đồng Hồ Trước Khi Mua.
Hãy thử search các kênh trên mạng để tham khảo những chiếc tương tự!
Hãy cân nhắc đến tình trạng, mức độ hoàn thiện của chiếc đồng hồ, thái độ của người bán. Thậm chí mức giá sẽ có sự chênh lệch nếu cùng là 1 chiếc đồng hồ nhưng cái thì có phụ kiện đi kèm như: dây, khoá, hộp, sổ, thẻ, khăn lau, giấy tờ,…cái thì không.
5) Việc Sưu Tầm Đồng Hồ Không Nhất Thiết Phải Tuân Theo Bất Kỳ Quy Luật Nào.
Hãy nhớ rằng việc sưu tầm chỉ là để thoả mãn niềm đam mê, vui vẻ, hạnh phúc của chủ nhân! Và mỗi người lại có một thú sưu tầm khác nhau.
Có người chỉ sưu tầm các bộ vỏ có “triện” khác nhau!
Có người chỉ sưu tầm “mặt số”!
Có người chỉ sưu tầm núm đồng hồ!
Có người chỉ sưu tầm dây, khoá đồng hồ!
Có người chỉ thích sưu tầm đồng hồ quả quýt!
Có nhà sưu tầm chỉ sưu tầm máy đồng hồ!
…
Điều quan trọng là bạn cần tìm ra một cách chơi mang dấu ấn cá nhân của riêng mình và làm cho mình cảm thấy hạnh phúc! Thế là đủ!
6) Nên Bắt Đầu Bộ Sưu Tập Từ Những Chiếc Đồng Hồ Có Giá Trị Tương Đối Nhỏ Để Trải Nghiệm Và Sau Đó Tăng Dần!
Nếu ngay từ đầu mới tập chơi và sưu tầm bạn dồn hết tiền để mua một chiếc đồng hồ giá trị cao (so với khả năng của bản thân) thì cũng không sao! Tuy nhiên phần lớn là bạn có thể sẽ phải hối hận vì bạn chưa thật sự biết mình muốn gì ở thời điểm đầu! Nếu bạn mua những món đồ bé nhỏ trước, bạn sẽ dễ dàng “làm lại” ngay trong trường hợp bạn nhận ra đó chưa phải gu thực sự của mình.
7) Hãy Lên Kế Hoạch, Tìm Phương Án Để Thêm Chiếc Đồng Hồ Yêu Thích Vào Bộ Sưu Tập Của Mình.
Chắc chắn một điều là cuộc chơi nào cũng cần ngân sách để duy trì. Do vậy, hãy lên kế hoạch và tuân theo một cách kỷ luật để bạn có thể thường xuyên “nuôi dưỡng” bộ sưu tập của mình! Bạn hoàn toàn có thể cắt giảm những chi tiêu không cần thiết, lãng phí trong cuộc sống của bạn và dành ra những khoản nhỏ đều đặn mỗi ngày. Như vậy, sau một khoảng thời gian, nhất định bạn sẽ sở hữu được chiếc đồng hồ yêu thích để thêm vào bộ sưu tập của mình.
8) Chất Lượng Những Chiếc Đồng Hồ Bạn Sở Hữu Tỉ Lệ Thuận Với Những Người Có Cùng Đam Mê Mà Bạn Chơi Cùng!
Điều này là chắc chắn! Nếu những người bạn của bạn có kiến thức tốt, sở hữu những chiếc đồng hồ tốt thì bạn sẽ có cơ hội được học hỏi và ngắm nhìn chúng thường xuyên. Vô hình chung đôi mắt của bạn, cảm nhận của bạn cũng sẽ trở nên tốt hơn! Dần dần bạn cũng sẽ sở hữu 1 bộ sưu tập những chiếc đồng hồ tuyệt vời!
9) Không Có Bất Kỳ Thứ Bậc Nào Khi Sưu Tầm!
Không có bất kỳ nhà sưu tầm đỉnh cao nào cả! Sự đỉnh cao của mỗi nhà sưu tầm chỉ là việc bạn có Thoả Mãn được Chính Mình hay không? Việc bạn đeo đồng hồ đắt tiền hay rẻ tiền, thương hiệu lớn hay thương hiệu nhỏ không xác định thứ bậc của bạn trong giới sưu tầm! Và luôn không có cái thứ bậc đó tồn tại trong giới này.
10) Trên Con Đường Sưu Tầm Sẽ Có Thời Điểm Bạn Không Thể Đeo Hết Số Đồng Hồ Mà Bạn Sở Hữu.
Khi bạn đạt đến trình độ là một nhà sưu tầm thật sự có cách chơi của riêng mình! Tôi dám cá một điều rằng nhiều lúc bạn sưu tầm đồng hồ chỉ để ngắm và chiêm nghiệm những điều thú vị đằng sau chiếc đồng hồ đó! Có thể là về thiết kế, về máy, về lịch sử,…điều làm chúng trở nên đặc biệt đối với bạn. Đôi lúc bạn sẽ bất ngờ là nhiều nhà sưu tầm họ chỉ đeo một vài chiếc đồng hồ rất bình thường còn lại cất giữ, bảo quản và ngắm những chiếc đồng hồ rất khủng ít đeo!
11) Hãy Tìm Đến Những Nơi, Con Người Có Thể Giúp Bạn Bảo Dưỡng, Chăm Sóc Chiếc Đồng Hồ Yêu Quý!
Chiếc đồng hồ sẽ “sống” bền bỉ không chỉ bên cạnh sự chăm sóc của chính chủ nhân mà còn nhờ được bảo dưỡng, sửa chữa bởi những người thợ tuyệt vời! Hãy tìm những người bạn, họ có thể giới thiệu cho bạn hoặc đơn thuần họ có thể đem đi sửa giúp bạn những chiếc đồng hồ yêu quý!
(Tại sao lại là những người bạn? Vì nhiều nhà sưu tầm họ tích trữ rất rất nhiều linh kiện để phòng trừ lúc cần thay thế cho riêng họ và nhiều khi ngay cả nhiều người thợ sửa chữa cũng rất khó tìm kiếm!)
P/s: Hãy chơi và cảm nhận mọi điều bạn thích về đồng hồ. Đây chỉ là tâm sự của một “kẻ ham vui” trong giới đồng hồ. Và để bài viết về đồng hồ được trọn vẹn tôi xin gửi đến mọi người một vài hình ảnh về một phần nhỏ bộ sưu tập những chiếc đồng hồ tôi yêu quý và giữ gìn (dù giá trị của chúng rất bé nhỏ so với nhiều người).
Xin chúc mội người sẽ có thêm hiểu biết trong cuộc chơi đầy thú vị này! Hy vọng bài viết sẽ được đón nhận và chia sẻ rộng rãi đến với các anh em đam mê đồng hồ.
Tôi có mong muốn xây dựng một cộng đồng chơi đồng hồ ở Việt Nam văn minh, quy tụ những người chơi đồng hồ trong cả nước, hiện đã có rất nhiều người chơi rất sâu tham gia vào Group.
Group trên facebook mang tên “Cộng Đồng Chơi Đồng Hồ Việt Nam:All Brands”. Bạn chỉ cần click vào tên Group trong bài viết này để tham gia Group miễn phí. Mọi người hãy đọc nội quy Group để sinh hoạt được tốt nhất nhé!
You May Also Like

Mặt Đáy Đúc Nổi-Sự Lôi Cuốn Lạ Kỳ
June 9, 2020
Bảo Vệ Đồng Hồ Như Thế Nào Mới Là Đúng?
March 14, 2020