đồng hồ
Các Góc Nhìn Về Đồng Hồ Cổ

Đồng Hồ Cổ! “Sự Chuyển Giao” Tri Thức Đang Diễn Ra?

Để mở đầu bài viết thú vị về đồng hồ cổ tôi xin trích dẫn ví dụ về các cụm từ: “Ô Mê Ga Bát Quái Phong Thuỷ” và “Omega Pie Pan” hay “Omega Connie”? Đâu là cách gọi Đúng? Câu trả lời có lẽ rất đơn giản nhưng sẽ khiến mọi người “Thức Tỉnh” hơn về cách mà các collector (người chơi) ở Việt Nam đang chơi!

Omega Constellation

Hầu hết mọi người đều biết, thú chơi đồng hồ ở Việt Nam từ trước tới giờ đều chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các bậc tiền bối đi trước. Khi mà internet chưa phát triển, cách duy nhất để lan truyền kiến thức chơi đó chính là Truyền Miệng! Chính vì vậy mà các bậc tiền bối trước đây đã phải tự tìm cách để ghi nhớ, vận dụng những kiến thức về đồng hồ cổ cho công việc và cuộc chơi của mình.

Bản thân chiếc “Ô Mê Ga Bát Quái Phong Thuỷ” cũng chỉ là một tên gọi được nghĩ ra khi nhìn viền mặt số Pie Pan giống với hình ảnh của chiếc “Gương Bát Quái” hay treo ở cổng nhà để trừ tà.

Omega constellation

Và sau đó cái tên này được truyền miệng qua tai nhau trong dân gian khiến nó trở nên quen thuộc. Chứ bản chất chiếc đồng hồ không có liên quan gì đến cái “Gương Bát Quái” kia cả!

Còn cụm từ “Omega Pie Pan” hay “Omega Connie” là cụm từ mà cộng đồng chơi thế giới (cộng đồng,diễn đàn nơi mà mọi người trên khắp thế giới tham gia) đồng tình và sử dụng. Đây là cụm từ nước ngoài. Và bạn biết rồi đó, việc phiên dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là điều mà nhiều khi sẽ khiến ý nghĩa vốn có của chúng không còn được như trước! 

Theo ý kiến cá nhân của tôi và cũng là ý kiến được chia sẻ lại của rất nhiều bậc tiền bối đi trước, việc tìm kiếm “những cụm từ thay thế theo tiếng Việt” là rất rất cần thiết để duy trì thú chơi đến tận ngày nay. Không có Đúng và cũng không có Sai ở đây! Nếu là một nhà sưu tầm ham học hỏi,  bạn sẽ thích khám phá, thích nghe những câu chuyện kể lại, thích những nền văn hoá khác nhau, thích những sự việc sơ khai nơi “lịch sử” bắt đầu,…và có lẽ, những cách gọi tên thông thường theo kiểu Việt hoá đó cũng là một phần trong cuộc chơi mà chúng ta nên tôn trọng!  

Hãy cùng điểm qua một vài khái niệm mà có lẽ khi nhắc tới không nhà sưu tầm thế giới nào có thể “hiểu” được ý nghĩa nhưng với cộng đồng chơi Việt Nam thì quá rõ!

Omega vintage

Bộ “càng gẫy “ trên những chiếc Omega “Bát Quái” có lẽ hay được nước ngoài gọi vs cái tên “Dog Leg Lug” (dịch nôm na là bộ càng “chân chó”)! Thế nhưng cụm từ “càng gãy” lại thân thuộc và dễ nhớ hơn rất nhiều!

đồng hồ cổ

Máy tự động “Cúc Áo” hay Tự động “Khuy Áo” cũng do các bác thợ đặt tên cho dễ gọi, dễ nhớ vì búa tự động nhỏ nhỏ như chiếc cúc áo.

Universal Geneve Microtor

Tên thật của loại máy này là Micro Rotor (dịch nôm na là “bánh đà lên cót Mini”). 

Longines automatic

 

Tự động “răng cưa” cũng là tên gọi để chỉ những loại máy tự động được Longines phát triển riêng. Trên máy có 1 vòng răng cưa nên các bác thợ xưa khi sửa chữa đặt tên cho dễ phân biệt và dễ nhớ.

đồng hồ

Bộ máy tự động “lọc cọc” hay tự động “cọc cạch” rất quen thuộc khi những bác thợ già thấy búa tự động đập đi đập lại có tiếng kêu “lọc cọc” nên gọi luôn như vậy cho dễ nhớ. Bộ máy này được các bạn nước ngoài gọi với cái tên Bumper Movement.

đồng hồ

“Vành Tóc Giun” hay “Ba Lăng Con Rắn” là những cụm từ khi ám chỉ hệ thống chống shock incaflex được gắn trên vành tóc của những chiếc đồng hồ Wyler.

đồng hồ

“Wyler 2 cá” bản thân là cụm từ ám chỉ chiếc đồng hồ Wyler có đáy là “2 chú cá” chứ thực chất bên nước ngoài họ cũng ít chơi nên chả ai quan tâm và gọi là “Wyler 2 fish” cả!

Longines 12.68ZS

Máy “cầu gồ” bản chất là tên gọi của những người chơi, bác thợ già khi nói đến những cỗ máy lên cót bằng tay xưa có kim giây ở vị trí trung tâm. Phần máy đã được hãng tinh chỉnh và thiết kế thêm phần cầu máy để giữ bánh xe kim giây trung tâm “nổi lên. Và có lẽ Longines sẽ là ví dụ tiêu biểu nhất về loại máy này.

Calender watch

Hệ thống “lịch mắt” hiển thị trên những chiếc đồng hồ 3 lịch cũng do các bác thợ già nghĩ ra khi nhìn thấy chúng ở vị trí giống vs đôi mắt. Nhưng có lẽ bên nước ngoài họ chỉ gọi đơn giản là Triple calender hay Triple Date (tạm dịch là 3 lịch).

Longines Mystery Dial

Longines “kim ma” hay “kim đĩa” cũng vậy. Tên thật hay gọi là Longines Mystery Dial (dịch nôm na là “mặt số huyền bí”).

đồng hồ

Longines crown

Núm “đầu chùa” là dạng núm xưa rất hay gặp ở những chiếc đồng hồ vintage. Và nước ngoài có lẽ họ cũng chẳng hiểu “đầu chùa” là gì cả để mà đặt tên!

Longines Aviator

Kim “Mắt Ngỗng” có lẽ đã quá quen thuộc nhưng khi nhắc đến cụm từ “Breguet Hands” theo văn phong nước ngoài ít ai hiểu rõ!

Honey comb dial

“Kim rốn” hay “2 kim rưỡi” là các cụm từ ám chỉ đến chiếc đồng hồ có 3 kim. Và kim giây nhỏ hay bắt gặp ở vị trí 6h. Có lẽ các bạn nước ngoài sẽ bất ngờ về cách đọc này. Họ chỉ gọi đơn giản là sub-second (tạm dịch là giây ở ô hiển thị nhỏ).

Có rất rất nhiều khái niệm như vậy như: máy tự động mâm xôi, vi chỉnh mặt trời, vi chỉnh cổ ngỗng, quai chảo, ty đuôi cá,… mà tôi khó lòng liệt kê được hết được trong bài viết.

Thiết nghĩ, suy cho cùng, chúng ta chơi cũng vì muốn tìm bạn, tìm những người có chung sở thích vs nhau, học hỏi trao đổi kiến thức với nhau. Liệu rằng những người chơi sử dụng Tiếng Anh đã có nhiều kiến thức thực tế về đồng hồ hơn những người chơi sử dụng những “cụm từ quen thuộc”! Và ngược lại cũng vậy! Tôi chắc chắn một điều là hầu hết tất cả những người chơi ở Việt Nam đều sử dụng “lẫn lộn” và song song cả 2 loại ngôn ngữ trên!

Chúng ta hãy cứ lắng nghe, cảm nhận và suy ngẫm về 1 thời các bậc cha chú đã “chơi” như thế nào. Sau đó liên hệ với những kiến thức mới mà mình học được. Như vậy chúng ta có những người bạn, sẽ thật sự thấu hiệu cuộc chơi ở nhiều góc nhìn khác nhau.

Tôi thiết nghĩ đồng hồ chỉ là SỰ KHỞI ĐẦU để chúng ta quen nhau. Thú chơi đồng hồ cổ ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng bây giờ chính là thời điểm chúng ta “bắt kịp” với xu thế của thế giới, bắp kịp những “kiểu” chơi kì lạ nhưng rất được tôn trọng và ủng hộ của giới chơi. Sẽ ngày càng có nhiều hiểu biết rõ ràng hơn về cuộc chơi. Hãy lựa chọn cho mình phong cách chơi độc đáo, những chiếc đồng hồ độc nhất và quan trọng hơn chính là những người bạn chúng ta chơi cùng.

(Và đừng quên tích lũy cho mình một nguồn ngân sách riêng cho thú chơi. Sẽ không có những nhà sưu tầm đỉnh đỉnh cao, không có những bộ sưu tập tuyệt vời mà thiếu đi ngân sách để “nuôi dưỡng”. Hãy cứ bắt đầu bằng những con số nhỏ! Rồi một ngày bạn cũng sẽ bất ngờ về bộ sưu tập của mình…Đó cũng là cách tôi đã từng Bắt Đầu).

Xin chúc mọi người sẽ có thêm những hiểu biết thú vị và bài viết sẽ được chia sẻ rộng rãi đến với nhiều anh em chơi đồng hồ cổ.

Tôi có mong muốn xây dựng một cộng đồng chơi đồng hồ ở Việt Nam văn minh, quy tụ những người chơi đồng hồ trong cả nước, hiện đã có rất nhiều người chơi rất sâu tham gia vào Group.

Group trên facebook mang tên “Cộng Đồng Chơi Đồng Hồ Việt Nam:All Brands”. Bạn chỉ cần click vào tên Group trong bài viết này để tham gia Group miễn phí. Mọi người hãy đọc nội quy Group để sinh hoạt được tốt nhất nhé!

2 Comments

    • Nam Nam

      Cám ơn a nhiều. Hy vọng trang web sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích về đồng hồ cổ đến với anh và các anh em đam mê đồng hồ.
      Nếu thấy hay, hãy chia sẻ bài viết để giúp nhiều anh em đam mê đồng hồ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *